Gần 18.000 tỷ đồng mở rộng 4 quốc lộ cửa ngõ TP HCM

Đánh giá

Quốc lộ 50, 1, 13, 22 dự kiến được nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí gần 18.000 tỷ đồng, làm ở giai đoạn 2021-2025, giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng kết nối vùng.

Đây là một trong những nhóm dự án đề xuất ưu tiên ở kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM giai đoạn 2020-2030, vừa được UBND thành phố ban hành. Trong các công trình này, quốc lộ 50, 1 và 13 dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay.

Dự án mở rộng quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Công trình dài gần 7 km, mở rộng lên 34 m, trong đó chia làm hai đoạn: đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu. Trên tuyến xây hai cầu Bà Lớn và Ông Thìn đồng bộ. Trong tổng mức đầu tư, nguồn vốn Trung ương dự kiến hơn 687 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách TP HCM. Tuần trước, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo HĐND thành phố đề xuất đầu tư công trình này, dự kiến thực hiện từ năm nay và hoàn thành năm 2023.

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ, hẹp thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: Hữu Khoa.

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ, hẹp thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: Hữu Khoa.

Quốc lộ 50 dài 88 km, bắt đầu từ cầu Nhị Thiên Đường (quận 8) chạy qua huyện Cần Giuộc (Long An), điểm cuối tại Lộ Dừa (Tiền Giang). Đây là tuyến huyết mạch từ TP HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do đoạn qua TP HCM nhỏ hẹp, xe đông, đặc biệt đường dẫn vào khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước nên thường xuyên ùn tắc, tai nạn. Việc mở rộng sẽ giúp đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận tiện, giải quyết áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.

Dự án mở rộng quốc lộ 1 từ đoạn nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận (huyện Bình Chánh), dài 2,5 km, mở rộng lên 120 m. Trong đó sẽ xây dựng 10 làn xe cùng làm vỉa hè hai bên và để lại một phần đất dự trữ. Dự án có tổng mức đầu tư 3.353 tỷ đồng.

Sở Giao thông Vận tải đánh giá dự án này “cần thiết, cấp bách” trong bối cảnh quốc lộ 1 đoạn qua Bình Chánh nhỏ hẹp nên ôtô, xe máy đang phải chạy hỗn hợp, chưa thể lắp dải phân cách. Đoạn quốc lộ này cũng là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây thành phố, mật độ xe cao và đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc, nhất là các dịp lễ, Tết.

Xe chạy trên quốc lộ 1, hướng từ miền Tây vào TP HCM hồi tháng 4. Ảnh: Hữu Khoa.

Xe chạy trên quốc lộ 1, hướng từ miền Tây vào TP HCM hồi tháng 4/2021. Ảnh: Hữu Khoa.

Quốc lộ 13 sẽ mở rộng từ đoạn cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, dài hơn 4,5 km, mở rộng lên từ 53-60 m, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Công trình này trước đây nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2, hình thành từ 20 năm trước. Tuy nhiên do một số vướng mắc, công trình chưa triển khai. Năm 2017, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Vì vậy, dự án mở rộng quốc lộ 13 từng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT, BT phải chuyển sang sử dụng ngân sách.

Ngoài đoạn nói trên, quốc lộ 13 còn dự án nâng cấp, mở rộng từ ngã tư Bình Phước đến ranh Bình Dương, dài một km, mở rộng lên 53 m, vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Cả hai đoạn khi hoàn thành góp phần giảm ùn tắc, phát triển đô thị khu vực phía Đông TP HCM. Đồng thời, công trình cũng giúp kết nối Vành đai 2, cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành chuẩn bị đầu tư những năm tới.

Ùn tắc trên quốc lộ 13 đoạn qua ngã tư Bình Triệu theo hướng vào trung tâm TP HCM, năm 2020. Ảnh: Gia Minh.

Ùn tắc trên quốc lộ 13 đoạn qua ngã tư Bình Triệu vào trung tâm TP HCM, năm 2020. Ảnh: Gia Minh.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, dài 5,4 km, sẽ được mở rộng từ 4-8 làn xe. Trên tuyến xây hai cầu vượt trên tại nút Nguyễn Ảnh Thủ và Nguyễn Văn Bứa. Công trình có tổng vốn 935 tỷ đồng, được đề xuất ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025.

Quốc lộ 22 là tuyến đường kết nối TP HCM đi Tây Ninh, Campuchia với mật độ xe cao, gây ùn tắc thường xuyên giờ cao điểm. Hiện, điểm đầu tuyến là nút giao An Sương đã đầu tư hoàn thành với quy mô 3 tầng (cầu vượt, mặt đất, hầm chui). Vì vậy Sở Giao thông Vận tải đánh giá nâng cấp quốc lộ 22 để đồng bộ kết nối giao thông là cần thiết.

Ngoài các dự án này, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tại TP HCM theo lộ trình ưu tiên dự án trọng điểm, cấp bách để làm đồng bộ đến năm 2030. Trong đó giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở thành phố cần hơn 553.500 tỷ đồng.

Nguồn: https://vnexpress.net/