2.200 tỷ đồng xây cầu nối TP HCM với Đồng Nai

Đánh giá

Cầu Nhơn Trạch bắc qua Đồng Nai nối TP HCM, dài hơn 2 km, rộng 19,5 m cho 6 làn xe, tổng vốn hơn 2.200 tỷ đồng giúp giảm áp lực giao thông và tăng liên kết vùng.

Ngày 11/9, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải – chủ đầu tư) cho biết đang đẩy nhanh việc thiết kế cầu Nhơn Trạch để năm 2021 khởi công dự án và hoàn thành năm 2024.

Công trình nằm trong dự án đầu tư đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (giai đoạn một), thuộc dự án đường Vành đai 3 TP HCM. Cầu có tĩnh không cao 30,5 m, thiết kế khoang thông thuyền 110 m đáp ứng tàu tải trọng 5.000 tấn chạy phía dưới.

Việc xây cầu Nhơn Trạch giúp rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đến TP HCM và Bình Dương. Cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông ở cầu Đồng Nai và các tuyến đường nội đô TP HCM.

Ngoài ra, dự án cũng góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3 theo quy hoạch chi tiết được Thủ tướng phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.

Ba dự án cầu nối TP HCM với Đồng Nai. Đồ họa: Khánh Hoàng.

Ba dự án cầu nối TP HCM với Đồng Nai.

Đường Vành đai 3 tại TP HCM dài hơn 90 km, quy hoạch từ 6 đến 8 làn xe, trong đó giai đoạn một 6 làn xe. Dự án chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Nhơn Trạch, Tân Vạn – Bình Chuẩn, Bình Chuẩn – quốc lộ 22 và từ quốc lộ 22 đến cao tốc TP HCM – Trung Lương cùng cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Theo Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch dài khoảng 35 km hiện có 4 tiểu dự án. Trong đó dự án 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) dài 8,7 km, sẽ thực hiện bằng vốn ODA (đầu tư nước ngoài), tổng mức đầu tư 5.329 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 625 tỷ đồng, tách thành tiểu dự án riêng do địa phương thực hiện.

Dự án 1B từ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao trạm 2 (xa lộ Hà Nội) dài gần 9 km, sẽ đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.053 tỷ đồng do địa phương thực hiện và nhà đầu tư chi trả.

Hai tiểu dự án còn lại là 2A (từ cao tốc Bến Lức – Long Thành đến Tỉnh lộ 25B) và 2B (từ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn) hiện chưa xác định được phương thức và nguồn vốn đầu tư.

Cũng trên sông Đồng Nai, cách dự án cầu Nhơn Trạch hơn 5 km, dự án cầu Cát Lái thay cho phà Cát Lái, kết nối Đồng Nai và TP HCM, vốn đầu tư dự kiến 7.200 tỷ đồng, nhiều năm qua được người dân chờ đợi. Sau khi Thủ tướng đồng ý triển khai dự án, mới đây hai Sở Giao thông Vận tải (Đồng Nai và TP HCM) đã có buổi làm việc bàn phương án xây cầu.

Sau khi xem xét các phương án, hai sở cơ bản ủng hộ việc xây dựng cầu Cát Lái dài 3.782 m, phần cầu chính dài 650 m, quy mô 6 làn xe. Điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại xã Phước Khánh (Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và kết nối vào đường Vành đai 2 – TP HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng một km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3 km).

Nguồn: Vnexpress.net